Lịch Sử và Bước Tiến PT TNTT Phần Cuối
Chương 4: Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Việt Nam Sau 1975
BIẾN DẠNG
· Miền Bắc:
Tại miền Bắc, sau năm 1975 tuy sinh hoạt tôn giáo nói chung được tháo
cởi đôi chút, nhưng trẻ em vẫn là một đối tượng được nhà nước CHXHCNVN
đặc biệt lưu tâm và dành độc quyền giáo dục, nên sinh hoạt của trẻ em
công giáo vẫn bị gò bó thật nhiều. Đàng khác, vì bị Nhà Nước Việt Nam
đóng kín nên làn gió canh tân Giáo Hội và đổi mới nếp sống đạo đã không
lọt vào được qua “bức màn sắt”, nên giáo dân vẫn giữ gìn nếp sống đạo cổ
kính. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái về mặt đạo đức vẫn là mối quan
tâm lớn trong các gia đình công giáo. Trong những năm gần đây, do sự
giao lưu thường xuyên giữa hai miền Nam - Bắc, những sáng kiến tốt lành
đang được áp dụng cho trẻ em công giáo ở miền Nam thì cũng được nhiều họ
đạo miền Bắc áp dụng ...
· Miền Nam: Nhà Nước Việt Nam, sau bao nhiêu năm cố gắng để
cải tổ nhưng vẫn không giúp được người dân hiểu đầy đủ và trung thực về
tiến trình giáo dục, xã hội, khoa học, kĩ thuật, văn hoá và tôn giáo.
Giới trẻ hôm nay lại thờ ơ về giáo lý nên sự cám dỗ của vật chất và trụy
lạc ngày càng lan rộng, nhiều cảnh suy xụp đức tin trong gia đình và
trong lối sống đạo ngoài xã hội hiện nay. Chính vì sự quan tâm trên mà
các vị hữu trách đã phải quy tụ các giới trẻ lại qua các lớp giáo lý tại
các giáo xứ hoặc họ đạo.
· Dân Tộc: Rồi
đến sự hội nhập văn hoá, tín ngưỡng, xã hội của hơn 56 sắc tộc anh em
trong nước sống rải rác khắp nơi từ cao nguyên đến đồng bằng, nên các
sắc thái sinh hoạt ở các nơi trên toàn cõi Việt Nam có khác nhau và gặp
khó khăn.
Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 có đề cập đến: “Các
bạn hãy mạnh dạn diễn tả niềm tin của mình bằng những nét văn hoá dân
tộc và hãy sống phúc âm giữa lòng dân tộc.”
Công Đồng Vaticano II
cũng đề cập rất rõ về sự hội nhập của giới trẻ: “Trẻ em cũng phải được
tham dự vào đời sống của cộng đồng giáo xứ; phải huấn luyện giới trẻ
biết tham dự vào đời sống xã hội để sau này góp phần thực hiện công
ích.”
TRỖI DẬY
Tại quê nhà chúng ta,
“hạt giống” Thiếu Nhi Thánh Thể nằm yên trong lòng đất mẹ sau hơn 30
năm, tưởng chừng đã bị mục nát, các đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hoàn toàn
bị cấm sinh hoạt. Nhưng khi có được một chút tự do thì các họ đạo đã tuỳ
theo hoàn cảnh thuận lợi của địa phương mà gầy dựng lại những sinh hoạt
đạo đức, sống đạo cho các trẻ em. Tuy không nói ra là Thiếu Nhi Thánh
Thể, nhưng nhiều chỗ cũng đã cho các Huynh Trưởng và các em mang khăn
quàng của Thiếu Nhi Thánh Thể khi đi sinh hoạt.
Sau biến cố lịch sử năm
1975, các phong trào Công Giáo Tiến Hành phải ngưng hoạt động hoặc “lui
vào bóng tối”. Đến cuối năm 1976, các sinh hoạt của Thiếu Nhi dưới danh
nghĩa lớp giáo lý cũng gặp khó khăn, vì chỉ cần tụ tập trên 3 người là
phải “xin phép”. Nên bất cứ nơi đâu vào lúc nào có thể, là các linh mục,
tu sĩ, ông bà quản hay giáo lý viên quy tụ các em để dạy kinh, dạy giáo
lý chuẩn bị các em rước lễ lần đầu, thêm sức. Dần dà, những khoá giáo
lý ngắn hạn cho thiếu nhi được nhà nước làm ngơ. Một vài nơi vẫn cố gắng
duy trì khăn quàng dưới hình thức: “dây ảnh”, “viền cổ áo”,… Đến năm
1992, một vài địa phương âm thầm tái lập sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể
với tính cách tự phát của một số cha Tuyên Uý hay anh chị cựu Huynh
Trưởng có tinh thần yêu mến Phong Trào, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.
Một vài giáo xứ đã công khai hoạt động như giáo xứ: Hoà Hưng, Tân Việt,
Bùi Phát,… Có những linh mục đứng ra tranh đấu để được công khai đồng
phục hoá cho đoàn sinh một cách nghiêm chỉnh.
Đến năm 1998, Đức Giám
Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn lên cai quản Tổng Giáo Phận Sài Gòn,
Ngài bắt đầu lưu tâm đến sinh hoạt Giáo Lý Thiếu Nhi. Ngày 23 tháng 4
năm 1999, Ngài thiết lập Ban Mục Vụ Thiếu Nhi Giáo Phận và giao trách
nhiệm cho linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn. Ngày 27 tháng 8 năm 2002, trong
một lá thư gởi anh chị em cựu Huynh Trưởng, Ngài xác nhận linh mục Giuse
Phạm Đức Tuấn là tuyên uý Thiếu Nhi Thánh Thể/Giáo Phận. Từ đó, các
cuộc họp cựu Tuyên Uý, cựu Huynh Trưởng được chính thức bắt đầu để chuẩn
bị cho cuộc hồi sinh Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Các khoá huấn
luyện giáo lý viên địa phận có kèm theo việc giới thiệu Phong Trào Thiếu
Nhi Thánh Thể để rồi chuyển thành tiết học chính thức trong việc huấn
luyện Giáo Lý Viên.
Các lớp giáo lý đã có tổ chức quy mô nay chuyển dần sang sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể, các Thiếu Nhi Giáo Lý được chuyển sang Thiếu Nhi Thánh Thể như sau:
- Các lớp Giáo Lý Khai Tâm, Rước Lễ: Ngành Ấu
- Các lớp Giáo Lý Thêm Sức: Ngành Thiếu
- Các lớp Giáo Lý Bao Đồng: Ngành Nghĩa
- Các lớp Giáo Lý Vào Đời: Ngành Hiệp Sĩ
Về huấn luyện:
các Giáo Lý Viên được huấn luyện theo chương trình 3 năm, nếu muốn trở
thành Huynh Trưởng, phải trải qua các sa mạc huấn luyện được tổ chức
hằng năm.
Trong Đại Hội Anrê Phú
Yên là đại hội giáo lý viên toàn Giáo Phận ngày 27 tháng 7 năm 2003,
linh mục Phaolô Thãnh đã hiện diện để chứng kiến việc công khai tuyên
hứa của hơn 200 tân Huynh Trưởng cấp I, do linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn
chủ sự trước hơn 4000 giáo lý viên.
Chúa Giêsu Thánh Thể có
cách phục hồi và không bỏ rơi dân tộc của Ngài trong sa mạc như những
dẫn chứng bên trên cho thấy, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể đang hồi
sinh tại các nơi và những thời điểm được ghi nhận là nổi bật nhất làm
nên Phong Trào tại quê nhà hôm nay:
- Tổng Giáo Phận Hà Nội có 10 Giáo phận: Hà Nội, Vinh, Hưng Hoá, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bùi Chu và Thái Bình.
Tại giáo phận Hà Nội, giáo xứ Đông Trì cũng đã có một thánh lễ tuyên
hứa cho các Thiếu Nhi Thánh Thể và Huynh Trưởng, chủ tế trong thánh lễ
này là linh mục Cảnh (?), giám đốc Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Giáo Phận
Hà Nội.
- Tổng Giáo Phận Huế có 6 Giáo Phận: Huế, Quy Nhơn, Kontum, Ban Mê Thuật, Nha Trang và Đà Nẵng.
- Tổng Giáo Phận Sài Gòn có 8 Giáo Phận: Sài Gòn, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Phú Cường, Cần Thơ, Long Xuyên, Phan Thiết và Đà Lạt.
Tại Đà Lạt:
- Ngày
21-22/6/2003, Đoàn TNTT Giáo Xứ Thánh Tâm, Lộc Tiến, Giáo Phận Đà Lạt
đã tổ chức một sa mạc mang tên là Hồng Ân huấn luyện dành cho các Dự
Trưởng. Có vào khoảng gần 200 em tham dự trong các Khối Thánh Kinh, Khối
Vào Đời và Dự Trưởng. Thánh lễ tuyên hứa cho 13 Huynh Trưởng được tổ
chức rất long trọng và có rất nhiều đại diện các đoàn lân cận đến chúc
mừng Đoàn Thiếu Nhi và các tân Huynh Trưởng.
Tại Sài Gòn:
- Tổng
Giáo Phận Sài Gòn đã đi bước tiên phong, sau nhiều khoá sa mạc huấn
luyện Huynh Trưởng cấp I, Ban Lãnh Đạo Phong Trào Thiếu Nhi Giáo Phận đã
công khai làm lễ ra mắt tại đại chủng viện Thánh Giuse, Cường Để, Sài
Gòn vào ngày Chúa Nhật 27/7/2003. Trong thánh lễ có hơn 300 Huynh Trưởng
tuổi từ 18 đến 62 thuộc 23 giáo xứ tại thành phố Sài Gòn đã tuyên thệ
nhận khăn Huynh Trưởng và chứng chỉ khả năng. Đặc biệt trong buổi lễ ra
mắt này có sự hiện diện và chứng kiến của linh mục Phaolô Nguyễn Văn
Thãnh, nguyên Tổng Tuyên Uý PT/TNTT/VN. Sau buổi lễ này, các sa mạc Huấn
Luyện Huynh Trưởng cấp II cũng sẽ mở tiếp theo.
- Chúa Nhật, ngày
1/2/2004, trong thánh lễ tạ ơn và tuyên hứa tại giáo xứ Thái Bình (giáo
hạt Xóm Mới) 135 Sa Mạc Sinh đã chính thức được trao chứng chỉ khả năng
Huynh Trưởng cấp II cho cả hai ngành Ấu và Thiếu. Chứng chỉ này do Ban
Lãnh Đạo Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Liên Đoàn Phú Yên thuộc Tổng
Giáo Phận Sài Gòn ấn ký. Trong bài giảng của cha Vinh Sơn Trần Hoà
(Tuyên Uý PTTNTT tại VN) không giấu được niềm vui mừng: “Đây là một dấu
hiệu đánh dấu sự hồi sinh của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Việt
Nam…”
Đúng là Chúa Giêsu
Thánh Thể đã quan phòng, vì chính năm nay, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh
Thể trên toàn thế giới sẽ mừng kỷ niệm 75 năm thành lập tại Việt Nam
(1929-2004), và cả giáo phận đang hân hoan với Năm Thánh Truyền Giáo của
mình.Trong lời cám ơn và chia sẻ cuối thánh lễ, linh mục Giuse Phạm Đức
Tuấn (đặc trách Ban Mục Vụ Thiếu Nhi), đã nhắn nhủ các tân Huynh Trưởng
bằng chính lời của Vị Huynh Trưởng Tối Cao: “Thầy đã đến, đem LỬA xuống
trần gian. Và Thầy hằng mong ước cho LỬA ấy được bùng cháy lên…”.
Trong một phiên họp Tuyên Uý ngày 19 tháng 7 năm 2002, Ban Lãnh Đạo của Liên Đoàn Phú Yên thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã thành hình:
1. Tuyên Uý Liên Đoàn: LM. Giuse Phạm Đức Tuấn
2. Phó Tuyên Uý Liên Đoàn: LM. Giuse Vũ Minh Danh
3. Tuyên Uý đặc trách Nghiên Huấn kiêm ngành Nghĩa: LM. Vinh Sơn Trần Hoà
4. Tuyên Uý đặc trách ngành Ấu: LM. Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân
5. Tuyên Uý đặc trách ngành Thiếu: LM. Giuse Phạm Hồng Thái
6. Trưởng Ban Liên Đoàn Phú Yên: Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Lợi
7. Phó Trưởng Ban: Giuse Trần Văn Minh
8. Thư Ký: Vinh Sơn Vũ Đình Đường
9. Thủ Quỹ: Anna Nguyễn Thị Thu Lãnh
Người Huynh Trưởng Thiếu
Nhi Thánh Thể sau bao nhiêu năm tháng “nằm im trước gió”, nay đã bắt
đầu xuất hiện và nhập cuộc. Những hình ảnh sinh hoạt, huấn luyện của các
Đoàn, Huynh Trưởng đeo khăn và mặc đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể gửi ra
hải ngoại trên các phương tiện truyền thông đã làm cho Phong Trào Thiếu
Nhi Thánh Thể thêm khởi sắc.
Thư mục vụ của Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam tháng 10 năm 2003 đã nhấn mạnh đến sự loan báo tin
mừng: “Các bạn hãy vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại, và sử dụng
những phương tiện phù hợp với con người hiện nay để phục vụ cho sự loan
báo Tin Mừng.”
Phong Trào Thiếu Nhi
Thánh Thể tại quê nhà đang dần phục hồi lại. Quả là một mầu nhiệm! Vì
không có gì mà Thiên Chúa không làm được, như Thiên Chúa đã phán cùng
Abraham: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ
có một con trai”. Gốc cây tưởng chừng khô chồi, nay đã nảy một mầm mới,
sự sống đã hồi sinh. Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Thiên Chúa.
Thiếu Nhi Thánh Thể là “dấu chỉ” của Thiên Chúa hiện diện!
Phong Trào Thiếu Nhi
Thánh Thể không phải chỉ là một thực tại hiện hữu, mà là một “Dấu Chỉ”
của Thiên Chúa hiện diện? Thiếu Nhi Thánh Thể có mặt khắp nơi trên thế
giới, là do các mối phúc liên lạc mầu nhiệm của Chúa Giêsu Thánh Thể
hiện diện và kết hợp giữa mỗi tâm hồn chúng ta!
Nhưng với môi trường và
xã hội phát triển không ngừng tại hải ngoại, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh
Thể Việt Nam chưa phát triển mạnh được mà chỉ gầy dựng để duy trì truyền
thống, tập tục và gìn giữ bảo tồn những nét đặc thù của Phong Trào. Còn
tại Việt Nam, Phong Trào Mẹ đang dần hồi phục trong “Cơn Nước Lũ”, xa
xa các em thiếu nhi tại quê nhà đang Vui Mừng ngóng nhìn một tia sáng đã
loé lên dưới chân trời Hy Vọng.
Tags:
Bài Học,
Tài Liệu
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn